Dứa mua về đừng vội ăn ngay, làm thêm 1 bước để miếng dứa ngọt như mật, ăn không rát lưỡi

Để dứa có vị ngọt hơn và ăn không bị rát lưỡi, bạn hãy tham khảo mẹo nhỏ dưới đây.

Dứa là loại quả có vị chua ngọt kích thích vị giác. Bạn có thể ăn dứa trực tiếp, sử dụng dứa để xào, nấu, làm mứt, làm bánh, làm nước ép… Dứa giàu dinh dưỡng nhưng có một nhược điểm là ăn nhiều sẽ bị rát lưỡi, khó chịu.

Vì sao ăn dứa bị rát lưỡi

meo-an-dua-khong-bi-rat-luoi-02
Dứa có chứa bromelain – một loại enzyme có khả năng thúc đẩy phân hủy protein và cấu trúc màng nhầy trong niêm mạc miệng. Do đó, khi ăn nhiều dứa, bạn sẽ cảm thấy rát lưỡi.

Bromelain được tìm thấy nhiều nhất trong phần lõi dứa. Ước tính lõi dứa chứa lượng bromelain cao gấp 20 lần so với phần thịt dứa. Đây là lý do vì sao nếu ăn phần lõi dứa thì sẽ bị rát lưỡi hơn bình thường.

Cách ăn dứa không bị rát lưỡi

Để ăn dứa không bị rát lưỡi, bạn cần bất hoạt enzyme bromelain. Có nhiều cách khác nhau để bất hoạt loại enzyme này.

Ngâm trong nước muối
meo-an-dua-khong-bi-rat-luoi-01
Ngâm dứa trong nước muối là một trong những cách bất hoạt enzyme bromelain.

Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý rằng với cách này nếu miếng dứa quá to, nước muối sẽ chỉ bất hoạt được bromelain ở bên ngoài. Nước muối không thể xâm nhập hoàn toàn vào bên trong thịt dứa, lượng bromelain bên trong vẫn còn và bạn vẫn có thể bị rát lưỡi nếu ăn nhiều.

Ngoài ra, bạn cũng không thể ngâm dứa quá lâu vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến hương vị của dứa.

Khi ngâm dứa trong nước muối, hãy đảm bảo bạn sử dụng nước đun sôi để nguội và dụng cụ sạch sẽ.

Chần dứa với nước nóng

Nhiệt độ có thể giúp bất hoạt enzyme bromelain. Do đó, bạn có thể chần dứa với nước nóng trước khi ăn. Nhiệt độ cao cũng giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. bạn chỉ cần chần dứa trong nước nóng khoảng 1 phút rồi vớt ra ngay, tránh để dứa bị mềm.
meo-an-dua-khong-bi-rat-luoi-03
Để tăng hiệu quả, bạn có thể chần dứa bằng nước muối. Bắc một nồi nước lên bếp và thêm muối (cứ 500ml nước thì cho 30 gram muối ăn). Tỷ lệ muối nước rất quan trọng. Nếu quá ít muối thì không có tác dụng, cho nhiều muối thì hương vị của dứa bị ảnh hưởng. Cho quả dứa (bổ làm 4 miếng) vào nồi nước muối và bật bếp. Nước sôi khoảng 1 phút thì vớt dứa ra ngay, để dứa ráo nước và cắt thành miếng vừa ăn. Luộc sơ dứa sẽ giúp muối thẩm thấu vào bên trong nhanh hơn so với cách ngâm dứa bằng nước muối thông thương. Nó cũng giúp khử khuẩn, làm dứa có vị ngọt hơn.

Dùng baking soda

Bạn có thể bỏ một thìa baking soda vào bát nước sôi để nguội và khuấy đều. Cho dứa đã cắt miếng vào ngâm trong nước này 3-5 phút rồi vớt ra, để ráo nước và thưởng thức.

2023-12-14-8-42-51-thumb